098.880.4283    info@itdvietnam.com

5 xu hướng trí tuệ nhân tạo quan trọng trong năm 2019


21/09/2019 606 Lượt xem

AI sẽ trở thành sợi chỉ xuyên suốt trong cuộc sống con người giống như internet, điện và động cơ đã từng thể hiện trước đây.

Ít nhất trong năm tới, và có thể lâu hơn, chúng ta hãy kỳ vọng về những đột phá đáng kinh ngạc cũng như niềm phấn khởi đến từ AI, điều này là do những thay đổi đối với doanh nghiệp và xã hội mà AI hứa hẹn (trong một số trường hợp là sự đe dọa) sẽ mang lại vượt xa mong đợi ở các cuộc cách mạng công nghệ trước đây.

AI hướng đến một tương lai khi mà máy móc không chỉ đảm nhiệm mọi công việc thể chất như chúng đã làm kể từ cuộc cách mạng công nghiệp mà còn đảm nhiệm công việc “tư duy” như lập kế hoạch, vạch ra chiến lược và đưa ra quyết định.

Hiện tại, chúng ta hãy chờ đón 5 xu hướng trí tuệ nhân tạo quan trọng trong năm 2019:

1. AI ngày càng trở thành một vấn đề chính trị quốc tế

Năm 2018 đã chứng kiến ​​việc các cường quốc trên thế giới gia tăng thiết lập các hàng rào bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực thương mại và quốc phòng. Điều này được minh chứng rõ ràng thông qua mối quan hệ giữa hai siêu cường AI thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trước các rào cản thuế quan và biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để tạo ra AI do Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để có thể tự chủ trong quá trình nghiên cứu và phát triển.

Nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc Huawei đã công bố kế hoạch phát triển chip xử lý AI của riêng mình, giảm bớt nhu cầu trong ngành công nghiệp AI đang bùng nổ của Trung Quốc phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ như Intel và Nvidia.

Đồng thời, Google phải đối mặt với sự chỉ trích công khai vì sẵn sàng hợp tác làm ăn với các công ty công nghệ Trung Quốc (nhiều công ty này có mối liên quan với chính phủ Trung Quốc) trong khi rút khỏi (sau áp lực từ phía nhân viên của mình) các thỏa thuận làm việc với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ do lo ngại công nghệ của mình có thể bị quân sự hóa.

Với đường lối chính trị theo chủ nghĩa dân tộc đang hồi sinh, có hai mối nguy hiểm rõ ràng ở đây.

Thứ nhất, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể ngày càng được sử dụng bởi các chế độ chuyên chế để hạn chế các quyền tự do chẳng hạn như quyền riêng tư hoặc tự do ngôn luận.

Thứ hai, những căng thẳng này có thể làm tổn hại tinh thần hợp tác giữa các tổ chức học thuật và công nghiệp trên toàn thế giới. Khuôn khổ hợp tác mở này là công cụ để phát triển và triển khai nhanh chóng công nghệ AI mà chúng ta thấy đang diễn ra ngày nay và việc đặt ra các giới hạn cho sự phát triển AI của một quốc gia có thể sẽ làm chậm lại tiến trình đó.

2. Động thái hướng tới “AI minh bạch”

Việc áp dụng AI trên toàn xã hội – đặc biệt là khi điều này liên quan đến việc xử lý dữ liệu của con người – bị cản trở bởi “vấn đề hộp đen”. Hầu hết, các hoạt động của AI có vẻ phức tạp và không thể hiểu được nếu không có sự hiểu biết thấu đáo về những gì AI đang thực sự làm.

Để phát huy đầy đủ tiềm năng của mình, AI cần được tin tưởng – con người cần biết những gì AI đang làm với dữ liệu của mình, tại sao và làm thế nào để AI đưa ra quyết định đối với các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Điều này thường rất khó truyền tải – đặc biệt bởi vì điều khiến AI trở nên đặc biệt hữu ích là khả năng thu hút các kết nối và đưa ra các suy luận có thể không rõ ràng hoặc thậm chí có vẻ phản trực quan đối với con người.

Nhưng việc xây dựng niềm tin vào các hệ thống AI không chỉ là để trấn an công chúng. Lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc công khai, cho biết sự thiên vị trong các dữ liệu hoặc thuật toán. Các báo cáo thậm chí còn phát hiện ra rằng các công ty đôi khi không thể triển khai AI do lo ngại rằng họ có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý trong tương lai nếu công nghệ hiện tại sau này bị đánh giá là không công bằng hoặc phi đạo đức.

Vào năm 2019, con người có thể sẽ nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng lên đối với các biện pháp được thiết kế làm gia tăng tính minh bạch của AI. Năm nay, hãng IBM đã tiết lộ công nghệ được phát triển để cải thiện khả năng truy xuất các quyết định trong công nghệ AI OpenScale của mình. Ý tưởng này cung cấp những hiểu biết thời gian thực về không chỉ những quyết định đang được đưa ra mà cả cách chúng được thực hiện, thu hút các kết nối giữa dữ liệu được sử dụng, trọng số quyết định và khả năng sai lệch thông tin.

Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung, được đưa vào hoạt động trên toàn châu Âu trong năm nay, giúp bảo vệ người dân chống lại các quyết định do máy móc đưa ra mà “có ảnh hưởng pháp lý hoặc quan trọng khác” đối với cuộc sống của họ. Mặc dù nó chưa phải là vấn đề chính trị khó giải quyết nhưng sự nổi bật của nó trong đàm luận công khai có khả năng phát triển trong năm 2019, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp làm việc hướng tới sự minh bạch.

3. AI và tự động hoá thâm nhập sâu hơn vào mọi hoạt động kinh doanh

Vào năm 2018, các công ty bắt đầu hiểu rõ hơn về thực tế những gì AI có thể và không thể làm. Giờ đây, các doanh nghiệp lớn đã sẵn sàng dẫn đầu với các sáng kiến ​​đã được chứng minh, chuyển từ giai đoạn thí điểm và phát hành thử sang triển khai toàn cầu.

Trong các dịch vụ tài chính, nhật ký thời gian thực rộng lớn của hàng ngàn giao dịch mỗi giây được phân tích thường xuyên bằng các thuật toán học máy. Các nhà bán lẻ thành thạo trong việc nắm lấy dữ liệu xuyên xuốt đến khâu hóa đơn và các chương trình khách hàng thân thiết và cung cấp dữ liệu đó cho các công cụ AI để tìm ra cách tốt hơn để bán hàng. Các nhà sản xuất sử dụng công nghệ dự báo để biết chính xác những ứng suất nào mà máy móc có thể chịu được và khi nào máy móc có khả năng bị hỏng hoặc gặp sự cố.

Vào năm 2019, chúng ta sẽ thấy niềm tin ngày càng gia tăng rằng công nghệ dự báo thông minh này, được củng cố nhờ những kiến ​​thức mà nó đã thu được trong các giai đoạn triển khai ban đầu, có thể được triển khai rộng rãi trên tất cả các hoạt động của một doanh nghiệp.

AI sẽ đầu tư thêm vào các chức năng hỗ trợ như nhân sự hoặc tối ưu hóa các chuỗi cung ứng, nơi các quyết định về hậu cần, cũng như tuyển dụng và sa thải, sẽ ngày càng được tự động hóa thông tin. Các giải pháp AI để quản lý tính tuân thủ và các vấn đề pháp lý cũng có khả năng sẽ ngày càng được áp dụng. Vì các công cụ này thường sẽ phù hợp với mục đích của một số tổ chức, chúng sẽ ngày càng được cung cấp dưới dạng dịch vụ, mang lại miếng bánh AI cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.

Chúng ta cũng có thể thấy sự gia tăng số lượng doanh nghiệp sử dụng nguồn dữ liệu của mình để tạo ra nguồn doanh thu mới. Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về giao dịch và hoạt động của khách hàng trong ngành của mình về cơ bản cho phép mọi doanh nghiệp có đủ am hiểu về dữ liệu bắt đầu “tự trở thành công cụ tìm kiếm giống Google”. Việc trở thành nguồn cung cấp dữ liệu dưới dạng dịch vụ đã làm biến đổi các doanh nghiệp như John Deere, doanh nghiệp cung cấp các phân tích dựa trên dữ liệu nông nghiệp nhằm giúp nông dân trồng trọt hiệu quả hơn. Năm 2019, sẽ có nhiều công ty hơn áp dụng chiến lược này khi họ hiểu được giá trị của thông tin mà họ sở hữu.

4. AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn so với số việc làm bị mất đi

Về lâu dài con người vẫn chưa thể chắc chắn rằng liệu sự trỗi dậy của máy móc có dẫn đến tình trạng thất nghiệp của con người và các xung đột xã hội, một tương lai không có việc làm, hay điều gì nằm giữa các ranh giới đó hay không.

Tuy nhiên, ít nhất trong năm tới thì có vẻ như điều này sẽ chưa thể gặp ngay bất kỳ rắc rối nào. Gartner dự đoán rằng vào cuối năm 2019, AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn so với số lượng mà nó tước đoạt.

Trong khi 1,8 triệu việc làm sẽ bị mất do quá trình tự động hóa (việc sản xuất nói riêng có khả năng bị ảnh hưởng) thì 2,3 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra. Cụ thể, báo cáo của Gartner cho thấy, những việc làm này có thể được tập trung trong ngành giáo dục, y tế và khu vực công.

Một yếu tố có thể dẫn đến sự cách biệt này là tầm quan trọng của việc triển khai AI xét về khả năng “tương tác thực tế” khi triển khai nó trong các công việc phi thủ công. Công nghệ tự động thường thay thế hoàn toàn công việc của các công nhân kho hàng và nhân viên thu ngân. Nhưng khi nhắc đến công việc của các bác sĩ và luật sư, các nhà cung cấp dịch vụ AI đã thực hiện nỗ lực phối hợp để thể hiện công nghệ của mình có thể hoạt động cùng với các chuyên gia, hỗ trợ họ thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong khi họ vẫn là người đưa ra “quyết định cuối cùng”.

Điều này có nghĩa là những ngành đó được hưởng lợi từ sự gia tăng số lượng việc làm cho con người về mặt kỹ thuật – những ngành cần phải triển khai công nghệ và đào tạo lực lượng lao động để sử dụng công nghệ – trong khi vẫn duy trì sự hiện diện của các chuyên gia, những người đảm nhiệm công việc thực tế.

Đối với các dịch vụ tài chính, triển vọng của lĩnh vực này có lẽ hơi ảm đạm. Một số ước tính, chẳng hạn như những ước tính của cựu CEO Citigroup Vikram Pandit vào năm 2017 cho thấy rằng lực lượng lao động trong ngành này được dự báo có thể giảm 30% trong vòng 5 năm tới. Trong bối cảnh các chức năng back-office ngày càng do máy móc quản lý nhiều hơn, điều này có thể sẽ trở thành sự thật vào cuối năm tới.

5. Các trợ lý AI sẽ trở nên thực sự hữu ích

AI hiện thực sự đan xen vào cuộc sống con người đến mức hầu hết mọi người không nhận ra rằng khi họ tìm kiếm trên Google, mua sắm tại Amatreenhay xem Netflix, các dự báo dựa trên AI với độ chính xác cao đang hoạt động khiến trải nghiệm người dùng được trơn tru hơn.

Một cảm nhận rõ ràng hơn chút về sự gắn kết với trí tuệ robot xuất hiện khi con người tương tác với các trợ lý AI – chẳng hạn như Siri, Alexa hoặc Google Assistant – để giúp con người hiểu được vô số nguồn dữ liệu có sẵn cho con người trong thế giới hiện đại.

Năm 2019, sẽ càng nhiều người sử dụng trợ lý AI để sắp xếp lịch, lên kế hoạch cho chuyến đi và đặt bánh pizza. Những dịch vụ này sẽ ngày càng trở nên hữu ích khi chúng học cách dự đoán tốt hơn hành vi con người và hiểu được thói quen của con người.

Dữ liệu được thu thập từ người dùng cho phép các nhà thiết kế ứng dụng hiểu chính xác các tính năng nào đang cung cấp giá trị, ví dụ các chức năng có thể áp dụng AI như đặt taxi và đặt đồ ăn, và lựa chọn nhà hàng – ngày càng trở nên hợp lý và dễ dàng tiếp cận.

Trên hết, các trợ lý AI được thiết kế để ngày càng hiệu quả hơn trong việc hiểu người dùng của mình bởi các thuật toán ngôn ngữ tự nhiên được sử dụng để mã hóa lời nói thành dữ liệu có thể đọc được trên máy tính và ngược lại tiếp xúc với nhiều thông tin hơn về cách giao tiếp của con người.

Rõ ràng là các cuộc hội thoại giữa trợ lý ảo Alexa hoặc Google Assistant và con người có vẻ rất nghiêm túc ngày hôm nay. Tuy nhiên, sự gia tăng hiểu biết nhanh chóng trong lĩnh vực này có nghĩa là tính đến cuối năm 2019, chúng ta sẽ làm quen dần với những cuộc nói chuyện trôi chảy và tự nhiên hơn nhiều với những cỗ máy chung sống với con người.

Lược dịch theo bài viết của Bernard Marr đăng trên Forbes

Để đảm bảo khả năng tương tác giữa các khuôn khổ và cách tiếp cận khác nhau của các chính phủ, trong điều kiện không chắc chắn và phức tạp của hệ sinh thái AI, Diễn đàn Toàn cầu Boston – Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (BGF-MDI) đã công bố Báo cáo AIWS về Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (AIWS Report on AI Ethics) và đề xuất mô hình cho Chỉ số Đạo đức và Thực hành AIWS của Chính phủ (Government AIWS Ethics and Practices Index) được đánh giá trên 4 tiêu chí (Transparency, Regulation, Promotion và Implementation). Trong thời gian tới, BGF-MDI sẽ hợp tác với AI World thành lập một liên minh chiến lược tổ chức Hội nghị & Triển lãm Chính phủ Thế giới AI, vào ngày 24 đến 26 tháng 6 năm 2019 tại Washington, D.C.

Tin tức liên quan

Copyright © itdvietnam.com 2019 | - All rights reserved